Cùng xem bài viết BẢN TẢ PHÌN Thiên đường hoang sơ được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Khi đến với Sapa, du khách không thể bỏ qua cơ hội khám phá Tả Phìn – một trong những điểm du lịch cộng đồng thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước.
Từ thị trấn Sapa đi về phía Tây Bắc khoảng chừng 12 km, du khách sẽ bị Tả Phìn cuốn hút bởi phong cảnh thiên nhiên còn nguyên sơ nơi đây. Hang Tả Phìn nổi tiếng, những thửa ruộng bậc thang, những dòng suối ôm lấy xóm làng… Đây là nơi sinh sống đồng bào dân tộc Dao đỏ, Mông…
Đến với Tả Phìn, khách du lịch sẽ hiểu thêm về những phong tục, tập quán, nếp sống đời thường của cộng đồng dân tộc nơi đây.
Những tập tục sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Dao đỏ đã được khôi phục và dàn dựng thành những tiết mục biểu diễn dành cho khách du lịch như: nghi lễ cưới, nghi lễ múa “Bai Tram”, “bắt ba ba”, “múa chuông”, hát giao duyên…; người Mông có lễ hội ăn thề, lễ cúng giải hạn, lễ cúng làng và đặc biệt là lễ hội Gầu Tào.
Lễ hội có sự tham gia của cả cộng đồng, bắt đầu với việc dựng cây nêu từ ngày 20 – 25 tháng chạp và ngày hội chính là mồng 3 và mồng 4 tháng giêng để cầu phúc và cầu mùa màng… Vẻ đẹp thiên nhiên và những lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc chính là những yếu tố thu hút du khách đến với Tả Phìn.
Ngoài ra, Tả Phìn đã duy trì và phát huy các ngành nghề thủ công nhằm thu hút khách du lịch; đó là các nghề:
Nhuộm chàm và may thêu thổ cẩm: Cây chàm được người Dao đỏ, người Mông đen trồng vào khoảng tháng 2 – 3 âm lịch, tháng 5 chặt cả cây cho vào vại lớn ngâm, vài hôm sau thấy nước chàm ra hết vớt bã chàm bỏ đi, cho một bát nước vôi vào vại để thử xem nước chàm đã tốt hay chưa rồi dùng cái chụp chụp vào vại, nếu thấy bọt chàm nổi lên rồi vỡ ra thế là tốt.
Sau đó đậy kín vại chàm lại để hai ba hôm bột chàm lắng xuống dưới, nước trong đổ đi còn lại là keo chàm đặc dẻo như bùn non. Khi nhuộm người ta hòa keo chàm cùng với nước ngâm cùng các thứ giềng, thục, lá huyết dụ, nhân trần, lá sả và nước tro bếp, cho vải vào nhuộm để từ 15 – 20 phút, sau đó đem phơi và cứ nhuộm như vậy 5 – 6 lần là được. Quá trình nhuộm từ vải mộc đến lúc thành vải chàm phải kéo dài hàng tháng.
Thêu hoa văn là nghề truyền thống của người Dao đỏ, người Mông, các em bé gái tuổi từ 12 đến 13 đã biết thêu thùa, từ đó đến khi trưởng thành việc thêu thùa may vá đã trở thành kỹ năng của mỗi người. Hoa văn thường được thêu trên áo yếm, quần, nhất là bộ quần áo cưới của cô dâu, chú rể, các thiếu nữ Dao đỏ, thiếu nữ Mông tự may thêu áo cưới cho mình…
Do mùa đông lạnh kéo dài nên họ dùng những gam màu nóng trang trí trên trang phục: màu đỏ kết hợp với màu vàng, trắng nổi bật lên màu tràm với những hình cỏ cây, chim muông rất độc đáo và đó chính là một trong những điểm hấp dẫn các khách du lịch đến với Sapa. Người phụ nữ Dao và Mông đã tạo nên thương hiệu với những sản phẩm dệt thổ cẩm tinh xảo. Các sản phẩm thổ cẩm của họ đã được khai thác phục vụ khách du lịch.
Nghề khảm bạc: Người Dao đỏ làng Tả Chải có nghề khảm bạc khá nổi tiếng, các cư dân Mông, Tày, Thái thường mua dùng đồ khảm bạc – trang sức của người Dao đỏ. Nguyên liệu làm đồ trang sức là các đồng tiền làm bằng bạc trắng. Công cụ làm đồ trang sức bằng bạc đa số từ lò nung, từ bễ thổi đến nồi nấu bạc, khuôn đúc và các dụng cụ chạm khắc hoa văn.
Quá trình sản xuất đồ trang sức bằng bạc trắng gồm: các công đoạn nấu chảy bạc, đổ khuôn tạo hình, đập rèn, chạm khắc hoa văn. Khi sản phẩm đã định hình các nghệ nhân còn tu sửa đánh bóng. Sản phẩm bạc chủ yếu là đồ trang sức cho phụ nữ, cho các cô dâu trong ngày cưới. Trong đời sống của người Dao đỏ “giá trị” của các cô gái thể hiện ở các đồ trang sức bằng bạc.
Nghề rèn đúc: Đây là nghề thủ công mà đến ngày nay vẫn còn tồn tại của người Dao đỏ, người Mông trong làng hiện có 4 hộ làm nghề rèn đúc, chủ yếu họ rèn dao, cuốc, xẻng… phục vụ sản xuất cho dân bản trong vùng, phát triển nghề trồng trọt. Chất liệu sử dụng là những sản phẩm tiêu dùng có giá trị.
Công đoạn sản xuất theo thủ công truyền thống, xây lò bằng đất, đốt lửa bằng than củi, cho sắt, thép vào nung đỏ, một người kéo bễ, một người tán đập, thành những vật dụng cần thiết phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, người Dao đỏ có một hệ thống tri thức bản địa về cây thuốc rất tốt cho sức khỏe, với nhiều vị thuốc, bài thuốc. Khi du lịch phát triển, người Dao đã biết tận dụng thế mạnh này tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo tăng nguồn thu cho gia đình.
Hiện nay, người Dao đỏ Tả Phìn đã xây dựng được thương hiệu thuốc tắm được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến.
Khai thác và phát huy tiềm năng du lịch ở Tà Phìn đã tạo việc làm, tăng thêm nguồn thu góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân, đồng thời bảo tồn là những nét văn hóa độc đáo của tộc người Dao và người Mông trong môi trường sống động. Du lịch văn hóa sẽ tạo ra một dòng chảy mới và cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Bài & ảnh:Trịnh Hiệp
Hãy chia sẻ bài viết BẢN TẢ PHÌN Thiên đường hoang sơ, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn