CÂY BẸO LÀ GÌ? NÉT VĂN HÓA QUẢNG CÁO NƠI MIỀN SÔNG NƯỚC
Các cửa hàng hay các ghe thuyền thường không có bảng hiệu, chợ bán sản vật gì người ta treo sản vật đó lên cây sào hoặc trên mũi thuyền. Người ta gọi cây này “cây bẹo”. Người bán dùng cây chống ngay trước mũi xuồng, ghe của mình rồi treo tượng trưng lên đấy những loại nông sản mà mình muốn bán.
Khi đến với chợ nổi miền Tây, chắc có lẽ bạn sẽ khá ngạc nhiên khi thấy đa số các ghe ở đây đều treo một cây sào trên đầu ghe của mình.
Không những thế trên những cái sào đó đều có treo lủng lẳng một vài loại trái cây. Đây là một cách quảng bá chào hàng các sản phẩm mà chủ ghe đang bán.
Cây sào này gọi là cây bẹo. Theo “Từ điển phương ngữ Nam bộ”, bẹo là một động từ có nghĩa “chưng ra, đưa ra để khêu gợi”: “bẹo mặt” là chường mặt ra để trêu tức; “bẹo hình bẹo dạng” là phô trương hình dáng, chưng diện màu sắc có ý khoe khoang.
Đây là một nét nổi bật trong cách thức mua bán ở chợ nổi miền Tây. Hầu hết, các ghe sẽ cắm một vài cây sào ngay phía trước mũi xuồng, ghe của mình và treo lên đó một một vài loại nông sản mà mình bán. Chẳng hạn như nếu ghe nào bán cam thì sẽ treo vài quả cam, nếu ghe nào bán xoài thì treo vài quả xoài, nếu ghe nào bán chuối thì sẽ treo vài quả chuối,…
Có thể thấy cây bẹo chính là một hình thức quảng cáo thông minh hay như dân gian ta đã có câu “Cái khó ló cái khôn”. Vì nếu khi treo bảng hiệu để quảng cáo khí khá khó khăn, nếu treo cao quá thì sẽ bị vướng gió còn nếu treo thấp quá thì khách hàng sẽ không thấy. Tuy nhiên, nếu treo cây bẹo từ xa thì khách hàng có thể đứng từ xa đã nhìn thấy hoặc biết ghe hoặc xuồng đó bán cái gì.
Nguyên tắc chung của cây bẹo ở miền Tây là treo gì bán nấy, tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ.
Có những thứ “treo mà không bán”, đó là quần áo đang được sử dụng. Đối với những người dân mưu sinh bằng nghề bán hàng hóa trên xuồng, ghe thì ghe, xuồng như ngôi nhà của họ. Chính vì thế mọi nếp sống sinh hoạt sẽ diễn ra tại đây kể cả giặt giũ. Hàng hóa gần như chiếm hết không gian của xuồng, ghe chính vì thế sau khi giặt giũ họ thường sẽ treo lên cây bẹo để nhanh khô.
Thỉnh thoảng vẫn có những hàng hóa “bán mà không treo”, đó là các loại nước uống giải khát. Vì khi treo các chai nước giải khát lên cây bẹo khá khó khăn. Chính vì thế, các chủ ghe bán các loại nước giải khát sẽ dùng âm thanh. Họ có thể bấm kèn bằng tay hoặc dùng chân đạp kèn. Cách quảng cáo này khá thú vị vì nó có thể thu hút được sự chú ý của khách hàng, bên cạnh đó họ cũng biết được ghe này bán thức uống, nước giải khát.
Thỉnh thoảng, bạn cũng có gặp trường hợp là “treo cái này bán cái khác”, đó là “bẹo lá bán ghe”. Nếu bạn nhìn thấy ghe treo một tàu lá dừa thì người dân sẽ hiểu rằng chủ nhân của chiếc ghe đó muốn bán ghe.
Hơn nữa, do tiếng sóng vỗ và tiếng máy nổ của ghe xuồng nên treo cây bẹo trở thành một hình thức hữu ích cho các ghe sử dụng. Hiện nay, một số ghe hàng cũng áp dụng hình thức bẹo hàng hiện đại bằng cách dùng bảng hiệu, hộp đèn màu, áp phích, bằng rôn. Tuy nhiên cây bẹo đã từ lâu là một nếp văn hóa không thể thiếu đối với người dân miền Tây sông nước.
Viên Nguyễn