Du Lịch Tiền Giang Nên Ăn Gì? Dưới Đây Là 6 Món Ăn Nhất Định Phải Thử Khi Đến Tiền Giang
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu Mỹ Tho với nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, thịt lát, thịt bằm nhỏ, cùng với lòng heo và nước dùng từ xương tủy heo. Ngoài các nguyên liệu trên thì một số quán ăn còn bỏ thêm tôm để nước dùng ngọt ngon hơn.
Cũng giống các loại hủ tiếu khác, hủ tiếu Mỹ Tho cũng được dùng kèm với giá sống, hành phi, chanh, ớt, tiêu và với nước tương.
Nước chấm thường là nước tương bỏ thêm chút giấm và đường, thỉnh thoảng họ cũng cho thêm hành phi và tép mỡ. Bên cạnh đó để có hương vị đậm chất hủ tiếu Mỹ Tho thì cọng hủ tiếu cần phải trong và dai, để khi nấu không bị bở hoặc quá mềm.
Hủ tiếu bò viên hay hủ tiếu Sa tế cũng dùng loại bánh này. Ngoài ra, hủ tiếu Mỹ Tho còn có thể nấu thêm với mì và nước lèo có thể nấu bánh canh, bột sò, nui,…
Ngoài ra, chúng ta có thể ăn hủ tiếu khô và dùng nước lèo riêng cho hành, tiêu vào, có thể cho thêm trứng gà vào nếu thích, còn hủ tiếu thì sẽ được trộn với giấm, nước tương vừa ăn. Đặc biệt, hủ tiếu Mỹ Tho không ăn với cần tây, trứng cút và salad.
Cháo cá lóc rau đắng
Để có món cháo cá lóc ngon không mất quá nhiều kỳ công, tuy nhiên cũng không hề đơn giản. Gạo cần phải là loại dẻo vừa, có vị ngọt và hương thơm. Không giống như nấu những món cháo khác, gạo phải rang trên chảo đến khi vàng và bốc mùi thơm.
Còn đối với cá lóc thì phải chọn con to để ít xương, vì thế các đầu bếp thường ưu tiên cá lóc đồng. Nước nấu cháo không được dùng các loại nước máy có mùi clo.
Để tăng thêm mùi vị cho tô cháo, sau khi nêm nếm gia vị, người ta sẽ cho thêm vào một ít hành tím, hành lá và ngò rí. Và nguyên liệu cuối cùng không thể thiếu đó chính là rau đắng đất, một đặc sản miền Nam.
Mắm tôm chà
Ngày xưa thị xã Gò Công có rất nhiều tôm, nhiều đến mức người ta ăn không hết nên người ta tìm cách phơi khô hoặc làm mắm để có thể tích trữ ăn dần. Mắm tôm chà cũng là một cách chế biến để có thể lưu trữ thức ăn lâu hơn.
Mặc dù mắm tôm chà được ra đời vào đầu thế kỷ 19 nhưng cho đến khi bà Phạm Thị Hằng sau này trở thành thái hậu Từ Dụ quý phi của vua Thiệu Trị thì món này mới đặc biệt yêu thích và trở thành những món ăn được dùng trong các buổi yến tiệc triều đình nhà Nguyễn.
Nguyên liệu để làm món này phải là tôm đất có gạch nhiều, Tôm sẽ được làm sạch và ướp gia vị rồi cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó, cho tôm giã nhuyễn vào rổ và chà mạnh để tách phần vỏ và thịt ra. Tiếp đó lấy tôm đi phơi khô vài ngày tùy thuộc theo công thức của mỗi nhà.
Sau đó lấy tôm đó chà để ép lấy phần thịt tôm, cho gia vị và và đem phơi nắng một thời gian nữa và đêm vào để mát tầm nửa tháng thì có thể ăn được rồi.
Mắm tôm chà phải có màu đỏ tươi bắt mắt. Mắm tôm chà thông thường sẽ được pha chế thành một loại nước chấm thơm ngon. Chúng ta có thể dùng nước chấm sau khi pha chế với các món luộc, cuốn, bún,… kèm với một số loại rau sống như khế, chuối xanh, dưa leo, ngò gai.
Chuối quết dừa
Khi về Tiền Giang bạn không thể bỏ qua món chuối quết dừa. Cái cách gọi đã làm cho món ăn khá là độc mà chỉ có vùng đất Tiền Giang mới có. Quết có nghĩa là giã nhuyễn rồi trộn thành một hỗn hợp. Chuối để làm món này phải là chuối sứ xanh, già nhưng vẫn còn độ dai, tròn trịa và căng vỏ. Thêm vào đó, cần thêm dừa xiêm có lớp cơm ngọt giòn và mọng nước.
Để làm món này, đầu tiên người ta sẽ ngâm chuối cho bớt mủ sau đó đem đi luộc. Sau đó, lấy phần chuối đã luộc tách vỏ lấy phần thịt bên trong đem đi trộn với dừa nạo, thêm xíu muối, đường rồi giã trong cối.
Hỗn hợp cần được giã nhuyễn để nước dừa hòa với chuối để tạo ra cái vị béo ngọt. Khi hỗ hợp bắt đầu sánh lại thì bày ra đĩa, rưới lên trên đó một ít đậu phộng rang.
Người ta còn thường ăn kèm với bánh tráng, nước chấm chua ngọt và một số loại rau sống như lá lốt, rau càng cua, lá cách, rau thơm,….
Nước mắm cũng khá đơn giản, đó là nước mắm pha từ nước mắm, chanh, tỏi, ớt cùng với một ít nước cốt dừa vừa có vị béo, vừa có vị chua ngọt đậm đà là được.
Bún gỏi già
Khi về miền Tây, chắc có lẽ bạn sẽ khá xa lạ khi nghe đến món bún gỏi dà hoặc là bún gỏi già. Món ăn này có xuất sứ từ gỏi cuốn. Chính vì thế các nguyên liệu của nó khá giống với món gỏi cuốn như: thịt luộc, bún, tôm, tép, rau,….
Điều khác biệt với gỏi cuốn là thay vì cuốn thì người ta sẽ biến tấu nó bằng cách cho vào tô và chan nước lèo trực tiếp vào tô như hủ tiếu. Người dân thưởng thức nó bằng cách và (lùa) như cơm nên dần dần họ đọc trại ra thành “dà”, “già” mà từ đó có tên gọi bún gỏi già.
Bún gỏi già có vị khá giống với bún mắm. Nước có vị chua của me và mùi đặc trưng của vị tương hột.
Bún cũng được ăn kèm với các loại rau sống quen thuộc như bắp chuối, giá, quế… Cùng với đó là một chén tương để chấm thịt bạn nên thêm một chút tắc vào để món ăn thơm ngon hơn.
Cá lóc nướng chui
Có lẽ món cá lóc nướng chui không còn xa lạ khi về miền Tây Nam Bộ. Món ăn này chế biến khá đơn giản tuy nhiên vẫn mang lại hương vị độc đáo.
Món cá lóc nướng chui này không cần chế biến quá phức tạp, cá không cần sơ chế nghĩa là không cần đánh vảy, không cạo nhớt, không mổ bụng, không tẩm ướt gia vị.
Cá sau khi bắt từ sông sẽ rửa sạch, sau đó xiên một que dài từ miệng đến đuôi, sau đó nướng cá bằng cách vùi cá và đống rơm khô rồi đốt lên. Khi to tràn, cá đã chín lấy ra và bỏ đi lớp vảy chín đã cháy xém để lấy lớp thịt cá trắng bên trong,
Riêng đối với những con cá lớn từ 800 gram trở lên, khi nướng cần phải vạch miệng cá ra để đổ đầy nước vào dạ dày, có như thế thì khi nướng nước trong dạ dày cá sẽ sôi và làm chín từ bên trong mà lửa không thể nào đi vào được.
Cần phải nướng bằng rơm vì như vậy cá sẽ không bị hôi mùi khói. Cá nướng xong là có thể gỡ thịt chấm với muối. Hoặc thông thường người dân sẽ ăn cá lóc với bánh tráng, bún, rau thơm và đặc biệt với nước sốt me.
Nguyễn Viên