Cùng xem bài viết Du lịch vài suy nghĩ từ nước Mỹ được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Nhìn những hình ảnh này, họ thấy nước Mỹ thua ngay trong lòng nước Mỹ, thua ngay tại đô thị miền Nam, và thua ngay trong tâm tưởng những người tham gia cuộc chiến. Nhưng chính nhờ những cái thua này, thấy được cái thua này, nhấn mạnh cho mọi người dân Mỹ biết vì đâu mà có cái thua này, chính là làm cho nước Mỹ mạnh lên chứ không phải yếu đi
Thời gian qua, dư luận xôn xao về chuyện “tích hợp” hay không tích hợp môn học Lịch Sử ở nhà trường phổ thông. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tại điểm Trường THPT Yên Thành 2 (Nghệ An), chỉ có một thí sinh dự thi môn Lịch Sử, nhưng hàng chục thầy, cô giáo và lực lượng bảo vệ vẫn phải duy trì công việc một cách bình thường, đảm bảo buổi thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đây là hệ quả mà hàng chục năm qua, chúng ta cứ phải tìm câu trả lời tại sao học sinh không thích học môn Sử? Chuyện này, chắc chắn ngành giáo dục phải tính. Nhưng trong dịp Xuân về Tết đến, tôi có vài suy nghĩ không chỉ liên quan tới giáo dục Lịch Sử mà còn liên quan đến cả du lịch bắt nguồn từ chuyến thăm nước Mỹ.
Bước vào Bảo tàng Lịch sử Hoa Kỳ ở Washington D.C., đúng là mênh mông, không thể đi trong một buổi mà hết được. Tay cầm tờ rơi, tôi cứ như hướng dẫn viên du lịch, xăm xăm đi vào chỗ “Chiến tranh Việt Nam 1956-1975”, xem thử họ “nói” những gì, chứ không cần xem nơi khác, bởi không có thì giờ mà đi cho khắp, nhìn cho kỹ…
Trước cửa vào phòng trưng bày về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam là chiếc máy bay trực thăng đậu trên bải cỏ. Bên trong máy bay có một phi công. Phía trước máy bay, có người lính cầm súng cảnh giới. Gần cửa lên xuống máy bay, có người lính Mỹ bị thương đang nằm trên đất, phần đầu được băng bó kỹ, và một đồng đội một tay đỡ phần đầu của bạn, còn đầu thì quay về phía máy bay trực thăng như đang chờ đợi người ra giúp đưa bạn lên máy bay để sớm đến nơi chữa trị.
Bên trong là hình ảnh minh họa, cho người xem biết cuộc chiến mà Mỹ tham gia ở Việt Nam từ năm 1956 đến năm 1975. Đầu tiên là hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối cùng là chân dung Tổng thống Mỹ Gerald Ford – vị Tổng thống trong giai đoạn kết thúc cuộc chiến tại Việt Nam.
Giữa hai tấm ảnh chân dung này là hình ảnh phản chiến của nhân dân Mỹ, của binh sĩ Mỹ, trong đó có tấm ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, và những hình ảnh lính Mỹ bị thương, chết chóc… Nói chung, người xem chỉ nhìn qua những tấm ảnh này là biết trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ từ thua cho tới thua. Với tôi, đây là một phóng sự ảnh xuất sắc.
Người xem cũng khá thích thú. Có hai người Mỹ cứng tuổi (một người ngồi xe lăn, một người đẩy xe lăn), đang nhìn những tấm ảnh và trò chuyện gì đó. Tôi chụp tấm hình và lại gần, rồi nói… khơi khơi: “Tham gia cuộc chiến mà chỉ toàn thua thì khoe cái gì”?
Người Mỹ ngồi xe lăn, nói: “Đó là Lịch Sử!”. Tôi biết ông ta đã “sụp bẫy”, bèn nói tiếp: “Mười chín năm chiến tranh, ít ra cũng có vài ba điểm sáng, chứ sao lại toàn màu đen tối thế này?”.
Anh ta nói: “Phải thấy cái tối để hậu thế biết mà tránh và tìm điểm sáng mà đến”.
Tôi cà khịa: “Kẻ yếu không có đạo lý để lên lớp người khác”. Người đẩy xe lăn xen vào: “Nhưng nước Mỹ không yếu!”.
Qua vài câu trao đổi, tôi biết thêm hai anh là cựu chiến binh Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam. Người ngồi xe lăn là do tai biến sau khi về hưu chứ không phải vì đạn ở chiến trường. Họ là đồng đội cùng đơn vị, nhưng Jeff Olsen – người ngồi xe lăn – nguyên là Tiểu đội trưởng của Jimmy Brown. Hôm qua, J. Brown từ Ohio lên Virginia thăm bạn, và hai người rủ nhau “thăm lại chiến trường xưa”. Lúc sáng sớm, họ đã đặt hoa tại Đền Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial), rồi mới đến đây. Nhìn những hình ảnh này, một phần tưởng nhớ đồng đội, một phần nhớ lại thời trai trẻ, nhớ mưa rừng nhiệt đới, nhớ những ngày nắng gắt mà nhìn thấy vũng nước hoặc dòng sông cứ như thấy… Thượng đế! Jeff Olsen nhắc thêm là nhớ những cánh cò chao liệng trên những cánh đồng mới vừa gieo sạ ở Việt Nam.
Tôi hỏi sau chiến tranh, các anh có thấy hối hận không. Họ lắc đầu bảo rằng chỉ có buồn, chứ không hối hận gì vì họ thực hiện nghĩa vụ công dân khi Tổ quốc cần. Với họ, chuyện có mười phần chắc chắn thắng lợi mới làm, thì không có ý nghĩa gì. Nhìn những hình ảnh này, họ thấy nước Mỹ thua ngay trong lòng nước Mỹ, thua ngay tại đô thị miền Nam, và thua ngay trong tâm tưởng những người tham gia cuộc chiến.
Nhưng chính nhờ những cái thua này, thấy được cái thua này, nhấn mạnh cho mọi người dân Mỹ biết vì đâu mà có cái thua này, chính là làm cho nước Mỹ mạnh lên chứ không phải yếu đi. Cái sợ nhất trong đời là sự dối trá. Người dối trá là người yếu hèn. Một dân tộc sống bằng dối trá là dân tộc chưa trưởng thành…
Thấy anh em đã đi qua nơi khác, tôi cũng vội chia tay hai anh với lời cám ơn.
Ra khỏi Bảo tàng, chúng tôi vừa uống nước vừa nghỉ chân. Thấy khoảng chục chiếc xe đạp lôi đang chờ khách. Xe này giống như những chiếc xe đạp lôi ở miền Tây Nam Bộ, nhưng tinh xảo hơn, đẹp hơn. Tôi muốn đi thử, TS John Nguyen, Giám đốc Các chương trình của Viện Ngôn ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hoa Kỳ (American National University), cũng muốn thế.
Hai anh em chọn cung đường gần nhất là ga tàu điện ngầm L’enfant Plaza, cách đó chừng vài ba cây số, và dặn mọi người đem xe đến đó đỡ tốn tiền thêm cuốc trở về. Họ cũng sắp tài như ở Việt Nam. Nghe cung đường của tôi, thì người tới phiên không đồng ý, gọi ai muốn đi thì đi. Và một người thanh niên đẩy xe tới mời chúng tôi lên xe với giá 15 USD. Anh tên là Peter.
Trên đường đi tôi gợi chuyện và biết thu nhập trung bình hằng tháng của những người đi xe đạp lôi ở đây khoảng 3.000 USD. Với thu nhập ấy, họ sống được. Tôi nói cho anh biết ở Việt Nam cũng có loại xe đạp lôi giống như vậy. Anh nói hình như có loại hình xe đạp lôi phục vụ du khách này là do sáng kiến của một cựu chiến binh Mỹ. TS John Nguyên nói có khi anh cựu chiến binh này ăn cắp bản quyền của Việt Nam. Peter vừa đạp xe, vừa trả lời: “Cũng có thể!”.
“Lời quê chắp nhặt dông dài/ Mua vui cũng đượn một vài trống canh” (Kiều).
Tôi cũng có chút hy vọng như thế, bởi Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) có viết: “Chủ động mở rộng hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa dân tộc”.
Hãy chia sẻ bài viết Du lịch vài suy nghĩ từ nước Mỹ, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn