Cùng xem bài viết Nước Mắm Ô Hoài Nhớ được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Bây giờ, vào siêu thị, không thiếu nước mắm đóng chai, mẫu mã đẹp, vẫn thấy thiếu cái “chất” ngày xưa. Trong khi 80% nước mắm trên thị trường tràn lan hàng giả, thì nước mắm Nam Ô càng quý, hiếm.
Làng xưa tích cổ
Nhớ ngày còn bé, bên ngoại, tôi có một người Dì đi lấy chồng ở Nam Ô (nay thuộc Liên Chiểu, Đà Nẵng). Với tôi hồi ấy, Nam Ô xa lắm! Những câu chuyện vụn vặt mẹ kể, Nam Ô tưởng như là một xứ sở “cổ tích”, rừng núi âm u chập chùng những ngôi tháp Chàm hoang phế, một làng chài heo hút bên chân sóng vỗ. Tất nhiên, có những đoàn trai tráng dong thuyền ra khơi mang về cá tươi đầy ắp.
Mẹ hứa nếu tôi học giỏi, sẽ cho tôi đi cùng vào thăm Dì trong Nam Ô.Từ đó, cái tên Nam Ô gợi lên trong tôi biết bao mong ước, tưởng tượng! Từ làng tôi đi theo bờ biển sáu cây số về phía Đông Nam, sẽ đến một bãi biển tên là Tư Dung (xã Vinh Hiền, H.Phú Lộc. Thừa Thiên-Huế), cát trắng mịn như bột, những hàng dừa cao vút chọc trời, rừng thông cổ thụ đi giữa ngọ không thấy nắng. Trên bờ biển có một ngọn núi, xưa là một con rùa biển khổng lồ lên bờ đẻ trứng. Sinh xong, rùa chết hóa thân thành núi, những quả trứng hóa thành những hòn đá tròn, lớn chập chùng, người đời sau gọi tên là núi Rùa.
Trên núi Rùa có một cái giếng sâu hun hút. Nước giếng trong vắt, ngọt lịm. Muốn biết giếng sâu bao nhiêu, người ta thả vào giếng một quả bưởi to, hôm sau thủy triều dâng, bỗng thấy quả bưởi nổi lên ngoài bờ biển. Từ đó, dân làng gọi tên cái giếng là Hàm Rồng.
Núi Rùa, giếng Hàm Rồng và bãi biển Tư Dung, đến đời Trần Nhân Tông được ghi vào sử sách trong thiên tình sử: Huyền Trân công chúa sang Chiêm lấy Chế Mân, đổi lại hai châu Ô và Lý. Trước lúc rời quê cha đất tổ sang Chiêm, công chúa cho cập thuyền ngự vào miền đất cực Nam Tổ quốc hồi ấy là bãi biển Tư Dung. Tắm nước giếng Hàm Rồng thanh khiết, công chúa lên núi Rùa hướng về phía Bắc bái vọng Tổ tiên, rồi mới sang thuyền đón về Đồ Bàn.
Chế Mân qua đời, vua Trần Anh Tông (anh ruột) lo sợ Huyền Trân theo tục lệ bị hỏa thiêu, sai tướng Trần Khắc Chung vào Chiêm, cứu công chúa. Trần Khắc Chung dùng mưu đưa công chúa ra bờ biển, chạy từ thành Đồ Bàn đến chân Hải Vân để xuống thuyền. Quân Chiêm đuổi đánh, đến Nam Ô, một vị tùy tướng tình nguyện ở lại tử thủ. Sau đó vị tướng này hy sinh, được dân làng chôn cất tử tế. Thời Chế Bồng Nga, người Chiêm chiếm lại đất, đập phá bia mộ, ông tướng trở thành vô danh. Người Việt di dân vào Nam Ô tôn ông là “Tiền hiền”, hàng năm tế lễ vào ngày 24-6 âm lịch.
Thuyền quân Việt từ Nam Ô ra đến cửa biển Tư Dung thì vào bờ để công chúa an dưỡng. Lúc ấy tháng 10, gió bấc thổi mạnh, không thể ra khơi về kinh thành, đoàn quân và công chúa phải lưu lại một năm mới trở về (?). Đây là mấu chốt nghi án mối tình giữa Huyền Trân công chúa và quan Hành khiển Thượng thư Trần Khắc Chung!
Nước mắm danh bất hư truyền
Chuyện sách sử, chuyện đời thường…dấy lên trong tôi một tình cảm mơ hồ nhưng sâu đậm đối với Nam Ô như thế. Riêng Dì tôi- con dâu Nam Ô (sau này anh em tôi gọi đùa là Nam Ô công chúa) thì bắt cầu nối về quê một cách thực tế hơn bằng…nước mắm!
Nam Ô- nước mắm ngon lạ lùng, chắt chiu từ tinh túy của vô vàn con cá cơm than, màu hổ phách sóng sánh, thử thả hạt cơm vào thấy nổi…Nước mắm Nam Ô không thể lẫn với mùi vị nước mắm nơi khác. Bởi nguyên liệu độc đáo: con cá cơm than đánh bắt từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch trên vùng biển Đà Nẵng.
Cá muối bằng muối Cà Ná, để lâu năm, mất hết chất đắng, chỉ còn vị mặn mòi tinh khiết. Các chum nước mắm làm bằng gỗ mít, dưới đáy chèn sạn và chổi đót, một chum có thể chứa được 200-300 kg cá ướp muối. Để đến 12 tháng sau, mới lấy được khoảng 100-150 lít nước mắm loại 1 mà cách gọi phổ thông là nước mắm “nhỉ” vì phải lọc hết sức công phu, bằng những cái “chuột” để nước mắm nhỉ ra từng giọt, từng giọt. Cái “chuột” lọc nước mắm làm bằng tre hình nón, bên ngoài bọc một cái bao vải trắng, treo trên ba cái tao như chiếc nôi trẻ con, bên dưới đặt một thau lớn hứng nước mắm nhỏ xuống như thể cà phê phin từ màu vàng chuyển sang màu đỏ sẫm.
Một kiệu nước mắm lớn phải lọc như thế mất hai ngày hai đêm mới xong. Hồi bé, tôi đã biết nước mắm Nam Ô ngon dường nào…Mùa gặt, mẹ tôi đợi các cô nàng bán bún rong làng Vân Cù, mua những tấm bún rải trên tấm lá chuối hình tròn như chiếc bánh đa, tên gọi là “bún lá”. Nửa chiều, đám thợ gặt ăn bún với nước mắm Nam Ô có xắn những trái ớt hiểm cay chảy nước mắt, vắt thêm tí chanh cho thơm.
Chỉ thứ nước mắm “thượng hạng” ấy, mẹ chế biến biết bao món ngon của lạ…Một trái dưa leo nho nhỏ, xắt ra những miếng thật mỏng như giấy bổi, bóp với muối, vắt thật khô, mẹ trộn với chanh tươi, rồi rưới nước mắm ớt, tỏi. Ăn với bánh đa, bẻ từng miếng xúc, đám thợ gặt nhắm rượu lai rai để chờ trăng lên gặt lúa. Rồi những con trê, con tràu…bắt được trên đồng đã trơ gốc rạ, họ đem nướng, mùi thơm lựng, lại cũng thứ nước mắm ấy, đâm nhuyển một ít gừng trộn vào, vừa chấm vừa ăn, cả đám xuýt xoa khen ngon.
Thời bao cấp, cửa hàng mậu dịch bán nước mắm nhạt thếch như…nước muối. Dì tôi thương cháu, thường gởi cho vài chai nước mắm Nam Ô. Để dành những bữa cơm tập thể thiếu thức ăn, đem ra ăn với cơm nguội. Thế mà nhớ hoài…
Hãy chia sẻ bài viết Nước Mắm Ô Hoài Nhớ, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn