Cùng xem bài viết Từ xe buýt, taxi xứ người nghĩ đến Sài Gòn… được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Mong sao xe buýt ngày càng thân thiện, an toàn, không là hung thần trên đường phố. Mong sao nay mai tàu điện ngầm, tàu điện trên cao vận hành, người dân Việt ứng xử văn minh. Mong trong một ngày không xa, những dòng kênh Thành phố Hồ Chí Minh cùng cảnh quan đôi bờ, sẽ có diện mạo mới hơn, đẹp hơn nhiều
TPHCM đang khởi động xây dựng nhiều hạng mục công trình trong dự án đường sắt đô thị. Đi vào khu vực trung tâm thành phố, nhiều ngả đường đã che chắn để thi công ga ngầm dưới lòng đất và dọc xa lộ Hà Nội, những trụ móng bê tông trên cao của tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã nối nhau hình thành.
Hình ảnh đó cứ làm tôi nhớ đến những vùng miền đã đi qua, nhất là Singapore và Malaysia, những nước láng giềng trong vùng Đông Nam Á với hệ thống giao thông công cộng phát triển khá tốt. Cũng từ nước bạn, không ít người Việt đã nghĩ về đất nước và thành phố thân thương của mình…
Không giật mình vì tiếng… còi xe!
Tại Kuala Lumpur (KL), thủ đô của Malaysia, hay Singapore, ngoài hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, tàu hỏa, hệ thống xe buýt cũng rất tiện lợi cho du khách. Khác với xe buýt ở ta có phần cũ kỹ và chật chội, nhiều khi chen chúc giữa các phương tiện khác, xe buýt ở Singapore và KL đều khá sạch và thoáng, chạy trên đường rộng và hầu như không phải bóp còi giành đường.
Khách lên xe cửa trước, nói nơi đến, bỏ tiền vào khe trên hộp cạnh bác tài, bác tài đưa vé và thối tiền nếu thừa, thế là xong. Xe đến thì xuống cửa sau. Trên xe dù vắng hay đông, chật cũng không quá ồn ào như ở ta, không cần lơ xe soát vé như ở ta, chỉ một bác tài cho mỗi xe là đủ. Ở Singapore có những chiếc buýt rất dài và có những chiếc hai tầng chuyên chở du khách tham quan.
Riêng về taxi, thì taxi ở Singapore mới hơn, còn ở KL rõ từng loại, xanh, đỏ, loại hiện số và loại trả giá. Do giá taxi ở các nơi này đều cao, nên tốt nhất là sử dụng phương tiện giao thông công cộng, an toàn, tiện lợi; chỉ cần mua thẻ là có thể sử dụng chung cho các phương tiện và đến được nhiều nơi nhanh chóng, dễ dàng.
Hình ảnh trên tàu điện ngầm cũng là một mặt phản ánh về lối sống, văn hóa của người Malaysia hay Singapore. Dù là giờ cao điểm đi nữa, người lên xuống nườm nượp, nhất là những đoạn chuyển luồng, phải đi bộ đến các ga trung chuyển, dòng người đi nườm nượp, nối nhau lên xuống thang cuốn, thang bộ, đi dọc theo những hành lang dài.
Ai cũng tất bật nhưng trên đường hay trên tàu điện ngầm đều không chen lấn kiểu chụp giựt. Dấu ấn xã hội hiện đại, thời của thế giới mạng cũng hiện rõ trên tàu điện ngầm ở Singapore hoặc KL. Giới trẻ và những người trung niên đang đi làm ai cũng cắm cúi vào điện thoại đi động, lắm khi tàu chật ních vẫn có người bật ipad chơi game, ai cũng có thế giới của riêng mình trong dòng chảy thế giới hiện đại.
Trên các toa tàu điện ngầm luôn có ghế dành cho người già, phụ nữ có thai, người bệnh, mọi người đều nhường nhịn nhau, không nói chuyện ồn ào. Nếu có tiếng cười nói có phần lớn tiếng, hẳn đó là du khách nước ngoài, trong đó có không ít người Việt ta: Dăm ba cô gái tóc nhuộm, đứng giữa toa và “hồn nhiên” nói tiếng Việt (hẳn nghĩ rằng không ai nghe được) và câu chuyện thì… toàn nói xấu người vắng mặt…
Chợt nghĩ không biết bao giờ lưu thông trên đường phố của ta mới thông thoáng, không có tiếng còi xe ồn ã, khiến người khác giật thót mình; không chen lấn chụp giật trên các ga tàu, trên xe buýt. Mong sao xe buýt ngày càng thân thiện, an toàn, không là hung thần trên đường phố. Mong sao nay mai tàu điện ngầm, tàu điện trên cao vận hành, người dân Việt ứng xử văn minh cho xứng tầm một dân tộc có nền văn hiến lâu đời.
Mơ về dòng kênh xanh Tàu Hủ, Nhiêu Lộc và cảnh quan tuyệt đẹp ngày mai
Đêm xuống, quang cảnh bên bờ sông đông vui, tấp nập, nơi đâu cũng cho thấy một Singapore thân thiện, lung linh. Tại khu Clarke Quay, tàu du lịch đưa đón du khách dạo trên sông. Con sông này hàng chục năm bị ô nhiễm trầm trọng do các nhà máy, trại chăn nuôi và cả cư dân lấn chiếm, xả rác thải và nước bẩn xuống sông, từ đó trở thành một con sông chết.
Chính Thủ tướng Lý Quang Diệu phát động với quyết tâm cao và người dân Singapore đồng lòng tuân thủ, Đảo quốc này đã cải tạo, làm sạch dòng sông. Từ năm 1977 đến 1987 là 10 năm giải tỏa, chỉnh trang đô thị, hoàn tất tẩy uế dòng sông ô nhiễm và năm 1993 con sông thực sự sống lại.
Bên kia sông là khu chợ, là bến tàu. Xa xa, chếch lên là khu vui chơi cảm giác mạnh với trò Bungee, lâu lâu “bắn” người chơi lên không trung cao vài chục mét, người yếu bóng vía ở dưới nhìn thôi đã thấy thót tim. Bên bờ kè ven sông bên này, từng đôi trai gái ngồi tâm sự, sau lưng họ là ga tàu điện ngầm, trung tâm thương mại xa hoa, khách sạn sang trọng, khách đi lại đông vui, chụp ảnh, ăn kem, mua sắm rộn ràng…
Ngắm dòng sông của họ, chợt vui khi con kênh Tàu Hũ, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè của TP Hồ Chí Minh cũng đã xanh trong trở lại. Con kênh Tàu Hũ đã khá tấp nập, soi bóng những tòa cao ốc, đại lộ Võ Văn Kiệt chạy dài lung linh ánh điện trong đêm. Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cũng đã xanh hơn, không còn màu nước đen như trước, những khu ổ chuột biến mất, thay vào là những khu phố mới, nhà cửa khang trang.
Nhưng nghĩ chưa biết bao giờ con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mới có được cảnh quan đông vui, thoáng đãng và hiện đại như nước bạn. Chỉ mong người dân TPHCM yêu dòng kênh, biết giữ gìn, cải tạo cho dòng kênh thêm xanh trong và trong một ngày không xa, những dòng kênh của Thành phố Hồ Chí Minh cùng cảnh quan đôi bờ sẽ có diện mạo mới hơn, đẹp hơn nhiều.
NGUYỄN ĐỒNG DAO
Hãy chia sẻ bài viết Từ xe buýt, taxi xứ người nghĩ đến Sài Gòn…, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn