Cùng xem bài viết Lại đi chợ nổi Cái Răng được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Trong các chợ nổi ở miền Tây thì chợ nổi Cái Răng là chợ được khách du lịch tìm đến nhiều nhất, đôi khi tàu của khách du lịch ngang bằng với tàu thuyền buôn bán. Lý do là thời gian để ghé chợ ít tốn thời gian, khách có thể đi dạo chợ xong trở về ăn sáng, rời khỏi Cần Thơ mà không tốn nhiều thời gian. Còn tôi, mỗi lần ghé Cần Thơ lại lên tàu …đi chợ, mà cũng như bao nhiêu du khách, đi lang thang nhìn ngắm là chính, còn mua hàng hóa thì thật sự chẳng biết mua làm gì.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông có tên Cái Răng, đây là phụ lưu của sông Hậu. Trong Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển giải thích Cái Răng là từ chữ Khmer “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Nguyên ngày xưa người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan”, sau đó chất lên ghe lớn rồi đi đến đậu chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán.
Lâu dần, mọi người gọi là sông Karan rồi thành “Cái Răng”. Bàn chuyện cái tên cho vui, bởi đôi khi đi miền Nam thấy dòng sông nào cũng giống dòng sông nào với dòng nước chảy cuồn cuộn, đặc biệt là các giề lục bình trôi theo con nước, có giề lục bình nở hoa tím cả một vùng. Chỉ việc lên một con thuyền, lênh đênh trên dòng sông cuộn sóng đó đã thấy vô cùng thích thú.
Chợ nổi có nghĩa là chợ buôn bán trên những chiếc thuyền, chợ nổi Cái Răng cách bến Ninh Kiều khoảng 4km, và gần như ai cũng đi…chợ vào sáng sớm, mặc dầu cơn buồn ngủ vẫn còn lượn lờ trên mí mắt trong buổi sáng Cần Thơ.
Mới 5 giờ sáng, anh chủ tàu mà chúng tôi đặt để chở đi đã có mặt ở khách sạn, mọi người cùng theo anh để đi trong cái bình minh trên con sông. Bởi theo kinh nghiệm thì chợ nổi Cái Răng tụ họp từ rạng sáng, đó là khi mọi con thuyền từ nhiều nơi tụ về, trao đổi hàng hóa, để từ đây, dạt về các chợ trên bờ cho kịp phiên chợ sáng.
Khi chúng tôi ra bến tàu thì cũng đã có nhiều đoàn khách đến, cùng đi xuống bến cầu tạm, lúc đó mặt trời bắt đầu thả những tia nắng đàu tiên của một ngày, để cùng đi chợ. Cũng có một trận cải nhau giữa một người khách khi tàu không cho thêm người quá hợp đồng đã ký.
Lần trước, chúng tôi đi chợ nổi Cái Răng vào mùa mưa, cho nên chủ tàu phải che bạt, đến chợ chúng tôi chỉ thấy một màn nước phủ trắng xóa. Còn lần này thì là một ngày đẹp trời, nên mọi người có thể di chuyển mọi tư thế để săn ảnh. Cứ thế tàu bắt đầu đi trên con sông Cái Răng. Đi trên sông bỗng giật mình vì trong mờ sương như như thế cũng tấp nập người đi…chợ, mà đa phần là khách du lịch.
Người dân sông nước Cần Thơ vốn hiền hậu, cho nên trong cuộc mưu sinh, họ dùng đủ loại thuyến lớn nhỏ chở khách, có chiếc thuyền bé tí chở đúng hai người. Vì thế, trong mờ sương, con đường sông từ bến Ninh Kiều đến chợ nỗi Cái Răng dập dìu tàu thuyền đi ngắm chợ nhiều hơn thuyền đi chợ.
Chợ kia rồi, rất dễ dàng nhận ra với đủ loại thuyền lớn, thuyền nhỏ dày đặt trên một khúc sông. Sự thích thú của chúng tôi chính là hình ảnh cây cột chống cao trên thuyền, treo chuối, treo trái thơm, treo trái dưa hấu… mà mọi người gọi là cây “bẹo” để giới thiệu mặt hàng mà họ đang chở để bán. Để rồi cũng như bao nhiêu chiếc thuyền khác, chiếc thuyền của chúng tôi cứ chen trong “chợ” ấy với mục đích nhìn ngắm và chụp ảnh lưu niệm là chính.
Dẫu là lần thứ hai đi chợ nổi Cái Răng, nhưng trong lòng tôi vẫn đầy ắp sự tò mò và hào hứng với cái chợ chỉ lênh đênh trên mặt nước vào buổi sáng như thế này. Người buôn bán quen hàng ngày có nhiều khách du lịch tham quan, nên họ vẫn sinh hoạt tự nhiên, không quan tâm đến những người lạ mặt. Thuyền nhỏ tấp vào thuyền lớn, trái cây
chất đầy, trả giá xong là vận chuyển vào thuyền nhỏ, và thuyền lại chạy đi về phía một điểm hẹn nào đó. Còn sự hấp dẫn mà khách du lịch tò mò chính là các quán ăn. Quán ăn là con thuyền nhỏ, bán đủ thứ từ cà phê, nước ngọt, bún, phở, mì gói… Chiếc thuyền tấp vào, khách kêu, trên con thuyền lắc lư ấy người chủ quán mau lẹ phục vụ. Nguyên tắc buôn bán trên sông là “tiền trao cháo múc”, bạn cầm tiền sẵn đưa sang, bên kia đưa hàng hóa…
Việc mua bán như thế đối với khách du lịch thuần chất giải trí, tạo cho mình niềm vui hơn là ăn uống. Và đặc biệt cũng có rất nhiều chiếc thuyền nhỏ bán trái cây lưu động, những chiếc thuyền này có hai người, một lái thuyền và một cứ đứng giữa chông chênh ấy mà rao bán. Khách với gọi mua vài ký vú sữa, vài ký ổi hay thứ gì đó họ đang bày bán. Không cần kiểm tra cân, không cần trả giá, việc mua bán diễn ra mau lẹ, sau đó hai con thuyền tách rời xa nhau.
Cứ thế mà chộn rộn, chợ nổi Cái Răng như không nghĩ ngày nào, mưa hay nắng cũng đều có những con thuyền ra phiên chợ trên sông trong hành trình mưu sinh sông nước.
Bài và ảnh: C.V
Hãy chia sẻ bài viết Lại đi chợ nổi Cái Răng, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn