Cùng xem bài viết Mênh Mang Quần Đảo Hải Tặc được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Trên đảo, xin xít những lùm dứa dại cao quá đầu, choải ra những gốc rễ tua tủa như những ngón tay gầy rộc, khẳng khiu bám lấy bờ cát thoai thoải. Có những đoạn dứa mọc vương vãi, tràn lấp cả lối đi, muốn vượt qua phải luồn lách bên dưới những tán lá, xuyên qua những thân gai tua tủa, bén ngót như dao…
Truyền thuyết Quần đảo Hải tặc
Vâng, thoạt nghe đến tên đã khiến ta liên tưởng đến những kho báu đầy ắp vàng bạc, châu báu trong những hang động bí ẩn và những tên cướp biển hung hãn đầy sẹo, lá cờ đen với đầu lâu xương chéo đã làm kinh sợ bao thương thuyền và bà con ngư phủ.
Trên chuyến tàu khách Hà Tiên – Tiên Hải, tình cờ bắt chuyện với cố Bảy, là cư dân theo cha lên đảo từ những ngày đầu lập nghiệp xứ này, cố thông thuộc vùng biển này từng con sóng, ngọn gió, đến các dòng chảy, những luồng tôm cá… Xòe ngang bàn tay như tấm hải đồ, cố chỉ: chỗ đeo nhẫn là Hòn tre lớn thì đầu ngón cái là Hòn Ba Cạnh, kế bên là Hòn Giống, Hòn Đước, đầu mút ngón giữa là Hòn Lòng Gà v.v.. Các hòn đảo lớn nhỏ vây bọc xung quanh, địa hình hiểm trở, san sát nhau như bát quái trận đồ; lại nằm trên tuyến hải thương quan trọng, nơi các tàu buôn qua lại, nên xưa kia, một thời hổ danh với nạn cướp biển hoành hành.
Cơn giông đi ngang, biển xanh thẩm lại, gió phần phật thổi gợn lên những con sóng bạc đầu; cố Bảy vuốt chòm râu bạc, mắt xa xăm hồi tưởng: hồi tám mấy (khoảng sau 1980), vùng biển này rộ lên nạn cướp biển, nạn nhân thường là những ngư dân hiền lành sinh sống bằng nghề lưới cá, Hải tặc khi đó đa phần là tàn quân Pôn-Pốt bên kia biên giới, câu kết với thành phần thảo khấu tràn san cướp phá, bắt cóc tàu mình đòi tiền chuộc.
Anh Hải, hành khách đi chung chuyến tàu góp chuyện: trước 90 (năm 1990), tui dìa đây thực tập, mỗi khi rảnh rỗi hay theo tàu cá ra khơi. Hồi đó, thấy trên tàu mình có trang bị AK, tuy nhiên chủ yếu để thị uy chứ khi đụng chuyện làm không lại vì tàu họ nhanh và trang bị vũ khí mạnh hơn. Giờ thì nơi này khá bình yên rồi.
Quần đảo Hải tặc một thời dậy sóng là thế, nhưng truyền thuyết tên gọi các hòn đảo ở đây khá thú vị chứ không đầy vẻ hù dọa như vậy. Chuyện kể rằng, xưa kia có một gia đình đại phú đi rước dâu về ngang vùng biển này, đến đây thì đoàn thuyền bị đắm; các đồ lễ vật trôi dạt hình thành nên vô số các hòn đảo lớn nhỏ với những cái tên thân thương như: Hòn Mâm Xôi, Hòn Khoai, Hòn Trứng, Hòn Cánh Gà, Hòn Bánh Đúc, Bánh Tét, Bánh Ít…
Theo bản đồ hành chính, Quần đảo Hải Tặc gồm 16 đảo thuộc xã Tiên Hải – thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Gồm các Hòn Tre lớn, Tre Nhỏ, Tre Vinh, Mâm xôi, Bánh Tét, Bánh Tổ, Đước, Giang, Ụ, Đồi Mồi v.v.. Cho đến nay, chỉ có 6 – 7 đảo có người ở như Hòn Đốc, Đước, Giang, Ụ, Đồi Mồi… Hòn Đốc hay còn gọi Hòn Tre lớn là nơi đông dân cư sinh sống và lớn nhất của Xã đảo Tiên Hải, còn lại đa phần là các đảo hoang; đồn đại rằng đâu đó trên các hoang đảo đó vẫn còn kho vàng của bọn Hải tặc chôn giấu năm xưa.
Đi tìm kho báu Hải tặc
Hấp dẫn bởi câu chuyện về kho báu, chúng tôi quyết định sáng sớm hôm sau sẽ trở ra đảo xem thực hư thế nào.
Hà Tiên dậy sớm, bến Giang Thành lịch xịch tiếng máy tàu qua lại và ẩm ướt từ cơn mưa ầm ĩ, chóa lòa từ nữa đêm trước tầm tả cho đến rạng sáng hôm sau; để rồi trong cái chộn rộn của buổi mai, sương giăng ngập bến. Bên kia bờ, núi Tô Châu vẫn còn ủ kỷ trong tấm mền bông khổng lồ, đậm sịt và sũng nước.
Khởi hành từ bến tàu khách Hà Tiên, con tàu sắt vững chải đè những con sóng bạc trườn ra cửa biển, bỏ lại đằng sau đám bọt nước trắng xóa và khách sạn 4 sao River Side sừng sững soi bóng bên bờ Giang Thành. Khi cơn mưa ào ào đi qua, mặt sông loang loáng những tia nắng dậy muộn, chan hòa khắp bến, con tàu lừng lững đưa chúng tôi tiến về quần đảo Hải tặc trong ánh cầu vồng ngũ sắc, rực rỡ vắt ngang đôi bờ Trấn Hà Tiên.
Chẳng mấy chốc tàu ra đến cửa biển, đứng trên boong tàu dõi mắt trông xa có thể thấy Quần đảo Hải tặc thấp thoáng ẩn hiện trong đám mù mây. Bên tay phải, Mũi Nai với Núi Đèn cũng lùi dần, nhường lại cho khoảng không bao la, thẩm màu biển cả. Theo lời anh Thành tài công, vùng biển Hà Tiên này mang nhiều câu chuyện kỳ bí không kém phần huyễn hoặc, liêu trai.
Trong boong tàu, tiếng máy nổ bình bịch ầm ĩ hòa cùng tiếng gió rít; chuyện kể về chiếc sọ người ẩn hiện phù hộ cho các ngư phủ trúng luồng cá tôm, ăn nên làm ra; đoàn chiến thuyền cùng đội hải binh thoắt ẩn, thoắt hiện ngoài khơi rồi biến mất bên kia eo biển, đến chuyện con tàu cổ lổ sĩ tả tơi cánh buồm không người lái trôi dạt…
những câu chuyện đại loại vậy không lạ gì đối với bà con ở đây, anh Bền phụ lái góp lời. Vượt quá chân núi Đèn, anh Thành đánh lái, gối mũi thuyền lên con sóng cồn, chỉ tay hướng về gành đá cheo leo: cái lều ông Tư ở trển, bữa nào rảnh ghé nghe ổng kể chuyện. Nhưng có lẽ câu chuyện nhuốm màu kì bí nhất là chuyện kể về kho báu thất lạc của Hải tặc.
Thực hư câu chuyện kì bí này, mãi chuyến sau, khi trở lại tìm hiểu về vùng đất Hà Tiên Thập cảnh tôi mới có dịp nghe ngóng, tìm hiểu qua lời kể của lão ngư phủ kì cựu xứ này. Câu chuyện quả có thật, vào đầu những năm 80 thế kỷ trước, có hai người ngoại quốc đột nhập lên đảo với đầy đủ la bàn, máy dò kim loại cùng các thiết bị, họ lén lút đào bới tìm kho báu theo tấm bản đồ của tổ tiên để lại nhưng bị ngư dân phát hiện báo chính quyền.
Sau đó ít lâu, thỉnh thoảng có người nhặt được những đồng tiền vàng cổ, có niên đại hàng trăm năm vương vãi dưới suối. Chuyện kể tới đây thì bất ngờ cơn dông vần vũ kéo đến, ngọn đèn dầu duy nhất trong căn lều cheo meo nơi vách đá bỗng phụt tắt, túp lều chú Tư cứ chực bị gió xô ngã, lộn mèo xuống biển.
Gác lại những câu chuyện huyễn hoặc trở lại chuyến hành trình, ngó ra bên ngoài boong cửa, chúng tôi đã lọt vào trung tâm Quần đảo hồi nào không hay. Từ đất liền ra tới Xã đảo Tiên Hải chỉ mất khoảng 1 tiếng 45 phút. Con tàu lừ đừ cặp bến, cầu tàu dẫn thẳng lên UBND Xã Tiên Hải với cột angten cao ngất.
Xã đảo là nơi đông dân cư nhất với vài trăm nóc nhà của bà con sinh sống và đi lưới; ngoài ra trên đảo còn có Đồn Biên phòng 738 trấn giữ. Trên ngọn núi phía Bắc đảo, ngọn hải đăng đêm về chớp tắt dẫn thuyền chài của bà con ra vào cặp bến, ngay giữa đảo có hồ nước ngọt lớn trữ nước quanh năm, cạnh đó là ngôi trường tiểu học…
Dạo một vòng tham quan, đa số hàng hóa đều đem từ đất liền ra, giá đắt gấp năm bảy lần vì tốn nhiều khoản chi phí và công vận chuyển. Từ cầu tàu đi theo con đường bê tông sạch sẽ xuyên ngang đảo dẫn chúng tôi sang bờ biển phía Tây, nơi còn lưu giữ cột mốc chủ quyền được xây dựng vào năm 1958. Trên tấm bia ghi rõ: “Quần đảo Hải Tặc. Hải đồ số: 3686 S.H; vĩ tuyến 10 độ 10’ 8; kinh tuyến 104 độ 20’ 0”. Cũng từ vị trí này nhìn về khơi xa có thể thấy đất bạn Campuchia thấp thoáng với núi Kep và dãy Tà Lơn thăm thẳm.
Xung quanh đảo, trong các hốc đá rất nhiều cua núi và ốc ma; loài ốc này trông giống ốc sên, bò lổn nhổn khắp gốc cây, vách đá. Theo lời anh Trung Hiếu, chủ tiệm chạp phô: “Những chiều mưa bão, ngồi nhà quơ mớ ốc này về nướng muối ớt, kèm vài con khô, xị rượu thì đã chỉ thôi rồi”.
Trên đảo rau củ quả tương đối ít và hiếm, nhưng được cái đồ hải sản nơi này không thiếu thứ gì, lại ngon bổ rẻ vì vùng biển này được thiên nhiên hào phóng ban tặng, anh Hiếu hồ hởi nói rồi xắn tay lôi mớ tôm, cua, ốc, mực hằm bà lằng trong chiếc đáy, thết chúng tôi bữa trưa ra trò.
Gia đình Robinson trên đảo Thỏ
Rời Xã đảo, con tàu đưa chúng tôi chếch về hướng Tây để tham quan Hòn tre Vinh. Hòn đảo nhỏ này còn có tên gọi khác rất dễ thương là đảo Thỏ Ngọc vì trên đảo, bà con nuôi rất nhiều thỏ. Làm 1 vòng trecking quanh đảo, đến mạn Bắc, ẩn hiện trong màn mù mây về hướng Đông, thấp thoáng đảo ngọc Phú Quốc; gần hơn về bên trái, hướng Tây Bắc là quần đảo Bà Lụa.
Cây cối trên đảo um tùm, thấp lè tè, đặc biệt có rất nhiều dứa dại; chúng mọc xin xít, tràn xuống tận mép biển, có những đoạn tràn lấp cả lối đi, vô hình trung tạo thành thiên la dịa võng, người lạ đột nhập vào đây khó tìm được đường ra nếu không có thổ địa hướng dẫn.
Tạm chia tay đảo Thỏ, chúng tôi bơi thuyền sang hòn Khoai, đảo nhỏ sát bên. Chiều nhạt nắng, những con sóng uể oải trườn lên bờ, liếm láp những phiến đá lách cách, vẫy lên ít bọt trắng rồi lại hiền hòa trôi tuột xuống bãi sỏi xanh trong tận đáy. Gió hun hút thổi lùa dưới căn lều tranh sùm sụp bên tán dứa; chúng tôi tiếp tục thưởng thức bữa tiệc babercue hải sản do đích thân “chúa đảo” chiêu đãi. Khề khá nhấp chung đế, chú bảy Rô rổn rảng: tui sinh ra lớn lên ở biển mà tên lại ở miệt sông hồ; kì này, tui đặt sẳn tên cho đứa cháu sắp sinh là Chép luôn rồi.
Kể cũng hay, bầy cá sông nhà chú quây quần trên đảo nghe thật dễ thương. Còn chúng tôi thì gọi vui chú bảy là Chúa đảo Robinson, vì chữ Rô tên chú trùng với tên nhân vật Robinson Cruise dạt vào hoang đảo trong một một chuyến hải hành bị đắm tàu.
Còn hiện tại, gia đình chú Bảy Robinson đã đuề huề một đại gia đình ông bà con cháu. Là một trong những cư dân đầu tiên vượt biển ra đây làm ăn sinh sống sau ngày giải phóng và còn trụ lại, gầy dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng, đến nay mấy đứa cháu lớn đã vào đất liền trọ học.
Cơ ngơi chú Bảy tuy vẫn còn tuềnh toàng, gió vừa thổi cửa trước đã luồn của sau, thì trang trại thỏ của chú đã được vài chục con chỉ từ mấy cặp thỏ ban đầu đem từ bờ ra nuôi chơi, ngoài ra còn có gà, vịt, heo v.v.. và tất nhiên, không thể thiếu những hải sản tươi ngon luôn sẵn có, hấp dẫn thực khách.
Tạm biệt trang trại nhỏ của chú Bảy, con thuyền lại đưa chúng tôi rẽ sóng, để lại chút tiếc nuối, giá như có thời gian ở lại một đêm, dã ngoại trên bãi biển, bên ánh lửa trại bập bùng cùng giai điệu ghi ta thùng và ắt hẳn không thể thiếu màn ngủ lều, tắm tiên dưới ánh trăng thì còn gì tuyệt vời hơn, một anh trong đoàn chép miệng. Đành hẹn một dịp trở lại, thử một lần làm hải tặc vui vầy trong vũ điệu hoang lạc của những nàng tiên cá…
Tiếng máy tàu lịch bịch đều đặn cộng với làn gió biển mát rượi mơn man khiến du khách dễ dàng ru vào giấc ngủ. Đang cơn liu thiu, gà gật thì bất ngờ một tiếng hú lớn khiến mọi người choàng tỉnh giấc.
Sau tiếng hú là tràng cười ha hả, một thành viên trong đoàn, anh Duy Anh đầu quấn khăn rằn, mình trần trùng trục, trong tay với chiếc máy ảnh cắm ống kính to đùng giả làm vũ khí, vừa nhảy nhót vừa làm điệu bộ dữ dằn của tên hải tặc râu đen; tiếc là anh thiếu bộ râu quai nón và cái nạng gỗ chứ không, mới nhiêu đó mà trong đoàn đã có chị rú lên thất thanh rồi.
Quả thật màn trình diễn đầy ngẫu hứng làm chúng tôi tỉnh hẳn trước khi tàu cặp bến kết thúc chuyến hành trình tham quan và giả làm cướp biển.
H.L
Hãy chia sẻ bài viết Mênh mang Quần đảo Hải tặc, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn