Cùng xem bài viết Những Người Lên Núi… Nhặt Rác được Luco Travel tổng hợp và chia sẻ lại cho bạn. Nếu bạn thấy hay! Hãy chia sẻ, để giúp Luco Travel có động lực đăng bài viết nhiều hơn.
Núi Bà Đen thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh, từ lâu là một địa điểm du lịch khá nổi tiếng. Với độ cao 986m, núi bà Đen là ngọn núi cao nhất Nam Bộ. Từ năm 1998, tuyến cáp treo được xây dựng và đưa vào hoạt động nhằm khai thác du lịch ở hòn núi nổi tiếng này, đến năm 2002, hệ thống máng trượt từ đỉnh xuống chân núi cũng chính thức đưa vào sử dụng.
Tính đến dịp Tết 2016, núi Bà Đen chính thức đón lượt khách du lịch thứ 1.000.000 đến hành hương, tham quan tại chùa Bà. Không chỉ là điểm tham quan dành cho du khách mà núi Bà Đen còn là địa điểm lý tưởng cho các bạn trẻ đam mê bộ môn thể thao leo núi.
Thông thường để chinh phục núi Bà Đen sẽ có hai đường leo núi chính mà dân leo núi thường chọn, gọi nôm na là “leo đường cột, xuống đường chùa” hoặc ngược lại.
“Đường cột” tức sẽ đi đường mòn nhỏ men theo những cột điện dẫn dọc từ chân đến đỉnh núi, nằm ngoài khu du lịch, khá khó đi, còn “đường chùa” là phần đường nằm trong khu du lịch, có phần dễ hơn đường cột vì có sẵn bậc thang đá.
Một trong những lý do khiến núi bà Đen lại thu hút nhiều dân phượt leo núi, dù đường leo khá vất vả chính là Mây. Cụm từ “săn mây” hẳn không còn xa lạ với những người leo núi ở đây. Với độ cao 986m của mình, vào bình minh sáng sớm những ngày có độ ẩm cao, sương mỏng, một biển mây dày, trắng xóa sẽ giăng kín lưng chừng núi, phần đỉnh núi sẽ như cưỡi trên mây hệt chốn bồng lai tiên cảnh.
Thời điểm săn mây thường kéo dài không quá lâu, khi Mặt Trời lên cao thì mây sẽ tản đi hết. Chính vì thế, khoảnh khắc săn Mây chỉ dành cho những phượt thủ đã leo núi từ tối hôm trước và hạ trại trên đỉnh núi, đợi chờ bình minh ngày sau chứ hiếm có du khách nào có thể chiêm ngưỡng được khung cảnh ấy.
Thế nhưng, lại có một thực trạng đáng buồn đã và đang xảy ra tại nơi đây. Khi lượt du khách du lịch và dân leo núi đến núi bà Đen ngày càng đông cũng kéo theo lượng rác tăng dần đều.
Dễ dàng nhận thấy, quãng đường leo từ chân đến đỉnh núi không hề có bóng dáng một thùng rác nào, nếu muốn vứt rác người ta chỉ có thể chờ đến ngôi chùa nằm ở lưng chừng núi mới tìm được thùng rác, hoặc cách đơn giản và nhanh hơn mà rất nhiều người đã áp dụng, đó là vứt đại ở đâu đó.
Chính vì thế, không khó để tìm thấy những đống rác to, nặng mùi và đầy ruồi nhặng nằm mọi nơi trên núi, kể cả những hốc đá cũng không thoát cảnh bị nhét đầy vỏ bánh, túi nilong…
Điều này là hệ quả tất yếu của việc khi lượng khách du lịch thập phương đến nơi đây ngày càng đông, nhưng số lượng thùng rác được trang bị tại khu vực tham quan, trên dọc đường leo núi không đủ sức chứa, cũng như không có nhân công thu dọn số lượng rác thải khá lớn hằng ngày, và đương nhiên là gấp rất nhiều lần vào những dịp lễ, tết.
Và rồi gần một năm trở lại đây, núi bà Đen lại đón chào sự xuất hiện của những người rất lạ. Họ là những thanh niên thích đi phượt và chọn núi bà Đen là nơi rèn luyện sức khỏe và đương nhiên là để săn mây.
Nhưng lạ là ở chỗ, từ thành thị, những con người ấy lại mang theo những bao tải treo lủng lẳng sau balo. Để rồi sáng hôm sau, sau cuộc săn mây đầy mê hoặc, đám người đó lại í ới gọi nhau dọn rác. Đúng vậy, là dọn-rác, nhưng không phải chỉ là vài mẩu rác của họ cắm trại đêm qua, mà là cả những núi rác từ bao năm dồn ứ đọng kia.
Nhiều du khách nhìn họ với con mắt lạ lẫm, thậm chí có người cười cợt khi thấy họ sắn tay áo lao vào những núi rác bốc mùi từ thức ăn thừa đang phân hủy. Lạ ở chỗ, họ không chỉ là nhặt những thứ rác lộ thiên dễ dàng như chai nước, cái bao, mà cả những thứ rác nặng mùi trong hốc đá, gốc cây… mà có khi bốc lên là cả ổ dòi rơi xuống.
Cứ thế, ngày qua ngày, tháng qua tháng, cứ từng tốp người lạ lùng đó thay nhau dọn rác. Không ai biết họ là ai, làm nghề gì, chỉ biết cứ cách ngày lại có đám thanh niên tới rồi cùng leo núi, sáng hôm sau lại thấy họ khiêng xuống chân núi từng bao tải đầy rác. Người ai cũng đầy mồ hôi, ám nặng cái mùi rác lâu ngày nhưng miệng ai cũng cười hào sảng.
Rồi từ bao giờ thành thông lệ, tốp nào dọn rác xuống chân núi cũng ghé quán nước nhỏ của cô Năm để nghỉ ngơi và đợi bán phế liệu từ vỏ chai nhựa trong các bao rác, theo lời nhóm bạn trẻ nói: “Tiền đó để về Sài Gòn mua bao tải vài tuần nữa tụi con lên lụm rác tiếp”.
Một lần tình cờ gặp hai nhóm bạn đang nghỉ chân ở quán cô Năm sau buổi dọn rác trên núi xuống, tôi lân la hỏi chuyện thì được biết các bạn là thành viên của các group Phượt như Ờ! Phượt đi; Phượt xanh… Thỉnh thoảng lại tổ chức cùng leo núi bà Đen để rèn luyện sức khỏe, săn mây thỏa niềm đam mê và hơn hết là chung tay vào để bảo vệ môi trường.
Bạn B.L chia sẻ: “Núi Bà Đen sở dĩ đầy rác là vì khách du lịch leo núi thì đông mà không có trang bị đủ thùng rác. Người ta muốn vứt đúng chỗ cũng không có nơi để vứt. Nên phải vứt bừa đâu đó, lâu ngày mới tạo thành núi rác làm ảnh hưởng mỹ quan. Thế nhưng khi nói đến lý do có rác, đa số người không biết đều đổ cho dân phượt.
Chúng mình trong group làm chiến dịch Ngưng xả rác, tiến hành thu dọn rác núi Bà Đen để bảo vệ môi trường, cũng là muốn cho khách du lịch nhìn thấy mà hạn chế vứt rác lại”
Một bạn trưởng nhóm khác xin giấu tên nói: “Đây là hành động tự nguyện của mọi người trong nhóm chứ không ai thuê gì bọn mình đâu, mà có thuê chưa chắc tụi mình chịu, vì giá để leo lên núi đem xuống phải đắt lắm kìa (cười).
Chủ yếu vì thấy nơi tham quan vốn rất đẹp như vậy lại vì ý thức kém của một nhóm người vô ý thức gây ra phá hỏng thì không đáng. Mình ghét nhận định “Nơi nào có con người đặt chân đến thì nơi đó sẽ có rác” lắm nên làm được gì thì làm, cũng may có những anh em nhóm khác chung suy nghĩ nên cùng nhau làm, mỗi người góp một tay, núi Bà lại nhanh đẹp lại như xưa thôi.”
Các bạn cho biết thêm, số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ dành để mua bao tải gom rác cho lần sau, đồng thời làm những bảng hiệu ghi chữ “Ngưng xả rác” và các dòng slogan tuyên truyền ý thức bỏ rác đúng nơi quy định để treo dọc theo quãng đường từ chân lên đỉnh núi và treo ngay tại quán nước của cô Năm để nhắc nhở ý thức mọi người.
Khi được hỏi:“Các bạn có thấy ngại hay sợ người khác cười khi mình lại phải đi nhặt những loại rác vừa bẩn vừa hôi không?”, cả nhóm cười Ồ lên. Ai cũng nhao nhao “Ngại gì mà ngại, mình làm việc tốt khoe còn không hết ngại gì”.
Hỏi ra mới biết, chiến dịch “Ngưng xả rác” của nhóm phượt thủ này không chỉ diễn ra ở núi Bà Đen, mà còn trải đều từ Vũng Tàu, Bình Châu, Hồ Cốc, Phan Thiết,… không những thế, hành động đẹp này cũng đã được lên sóng trên những trang báo hàng đầu dành cho giới trẻ như Yan Go, Zing.vn, Báo Tây Ninh…
Thiết nghĩ, khi ý thức về bảo vệ môi trường hiện nay ở giới trẻ còn khá yếu và thiếu, cùng với sự thờ ơ trước những vấn đề mang tính xã hội đang ở mức báo động, thì tinh thần vì cộng đồng của những bạn trẻ phượt thủ trên quả thật là điều đáng quý và cần nhân rộng.
Vấn đề xả rác đúng chỗ, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng mà đặc biệt là những địa điểm tham quan du lịch luôn là vấn đề rất cần được quan tâm vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến cảnh quan và tâm lý của du khách không chỉ trong mà ngoài nước.
Phần kết xin được trích dẫn câu khẩu hiệu mà tôi thấy được các bạn treo trên một gốc cây dọc đường lên núi, không chỉ như một lời cảm ơn chân thành dành cho những bạn trẻ nhiệt huyết mà còn để cùng chung tay tuyên truyền khẩu hiệu “Ngưng xả rác” cùng mọi người:
“Không lấy gì ngoài những tấm ảnh
Không để lại gì ngoài những dấu chân
Ba lô trên vai – Mang rác trở về!”
Lê Thị Ngọc Hoa
Hãy chia sẻ bài viết Những Người Lên Núi… Nhặt Rác, khi bạn chia sẻ, bạn đã cung cấp 1 kiến thức nhỏ về cẩm nang du lịch bổ ích cho nhiều người biết hơn!
Nguồn tham khảo: tcdulichtphcm.vn